Xây nhà yến trên đất nông nghiệp được không?

Hiện nay, có rất nhiều hộ dân đang hoặc đã xây dựng nhà nuôi yến trên phần đất nông nghiệp. Vậy, việc xây dựng này có hợp pháp ? Cần làm gì để có thể xây dựng được ? Bài viết sau này sẽ cung cấp thông tin cụ thể cho bà con cùng nắm rõ nhé.

Đối với những tỉnh chưa có quy hoạch vùng nuôi yến

Khoản 1, điều 10, Luật đất đai năm 2013 quy định:

Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại như sau:

1. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:

a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;

b) Đất trồng cây lâu năm;

c) Đất rừng sản xuất;

d) Đất rừng phòng hộ;

đ) Đất rừng đặc dụng;

e) Đất nuôi trồng thủy sản;

g) Đất làm muối;

h) Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.

Dựa vào căn cứ trên thì đất trồng cây lâu năm thuộc nhóm đất nông nghiệp.

Điều 6, luật đất đai năm 2013 quy định về nguyên tắc sử dụng đất như sau:

1. Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
2. Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.
3. Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Do đó, đất của nhà và con đang sử dụng là đất trồng cây lâu năm thì chỉ được sử dụng cho mục đích trồng cây lâu năm. Bà con muốn xây dựng nhà ở hay nuôi yến thì cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Nếu chưa chuyển mục đích sử dụng đất mà gia đình mình xây dựng nhà ở và nuôi chim yến trên đất trồng cây lâu năm là trái quy định của pháp luật.

Khoản 2, khoản 3 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định:

2. Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

c) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;

g) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

3. Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đồ thị thì hình thức và mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt quy định tại khoản 2 Điều này.

Theo đó thì hành vi xây dựng nhà ở (nuôi chim yến) trái phép trên đất chưa chuyển mục đích sử dụng có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Nếu gia đình mình cố tình thực hiện xây dựng nhà ở trái phép mặc dù đã bị xử lý vi phạm hành chính thì có thể bị buộc phá dỡ công trình.

Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất (ảnh minh họa)

Hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất căn cứ theo Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT bao gồm:

+ Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT;

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

+ Biên bản xác minh thực địa;

+ Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất;

+ Văn bản thẩm định nhu cầu, điều kiện sử dụng đất cho phép chuyển mục đích sử dụng đất

Bà con nộp 01 bộ hồ sơ tới Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện để xin chuyển mục đích sử dụng đất. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

Đối với những tỉnh có quy hoạch vùng nuôi yến

Việc xây dựng nhà nuôi chim yến phải tuân thủ theo Điều 64 Luật Chăn nuôi và Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.

Từ ngày 1/1/2020 khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực thì Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến hết hiệu lực.

Việc xây dựng nhà nuôi chim yến của bà con phải tuân thủ theo Điều 64 Luật Chăn nuôi và Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi. Trong đó có quy định vùng nuôi chim yến do UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định.

Như vậy, nếu khu đất nhà bà con nằm trong khu vực vùng nuôi chim yến của tỉnh thì được phép xây dựng nhà nuôi chim yến.

Hy vọng thông tin trên giúp ích được ít nhiều cho bà con hiểu và nắm rõ quy định pháp luật trong việc xây nhà nuôi yến.

Xem thêm: Nhà yến mới xây bao lâu thì cho thu hoạch?